Họa phái thể hiện Ấn tượng
- Nedclass
- Nov 8, 2019
- 3 min read
Năm 1874, Claude Monet trưng bày một bức tranh với ánh sáng huyền ảo bao trùm hình thể - bức Cảm giác, rạng đông (Impression, Soleil Levant) khiến công chúng hoang mang, các nhà phê bình và họa sĩ bảo thủ sửng sốt vì thấy trái hẳn với các lề lối thể hiện Cổ Điển: không rõ bố cục, không cân xứng hòa hợp, đầu đề vơ vẩn: vẽ gì lại đi vẽ cảm giác (impression)? Do thế họ liền gọi nhóm lập dị này là Impressionnisme.

Tiếng chế nhạo đó thành tên muôn thuở của nhóm bạn gồm Monet, Picasso, Bazille, Degas, Sisley, Renoir, Guillaumin và Manet. Họ thường họp nhau để vẽ theo lối trên đã vài năm mà chẳng lập môn phái công khai hoặc chủ trương lý thuyết gì hết. Họ tìm ra đường mới và tiếp tục noi theo mặc cho dư luận nghiêm khắc. Tuy nhiên về sau, công chúng quen dần và thích. Các nhà phê bình thi nhau tán thưởng trong khoảng 10 năm liền. Những cuộc triển lãm Ấn tượng được tiếp tục, mỗi họa sĩ trong nhóm đều lần lượt nổi danh. Ảnh hưởng của họ ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã lan tràn mạnh mẽ ra cả nước ngoài.
Về phương diện kỹ thuật
Không kể những đặc sắc của mỗi người và nếu chỉ chú ý đến những tính cách chung thì Ấn tượng khác các họa phái ở những điểm sau về phương diện kỹ thuật:
Họ không soi mói tỉ mỉ những chi tiết cảnh vật rồi suy nghĩ lâu để xếp đặt theo một chủ ý rõ rệt như các họa sĩ Cổ điển. Ở cánh đồng, bờ biển, góc rừng, trong vườn,... họ nhìn bao quát và mở rộng đón tiếp cảm giác đầu tiên chợt đến rồi buông tay phóng bút theo rung động hồn nhiên. Một bức tranh Cổ Điển thường qua 3 - 5 giai đoạn: quan sát ghi nhận, về xưởng phác họa khởi thủy, phác họa sơ lược, phác họa chỉnh đốn, vẽ hoàn thiện. Trái lại, các họa sĩ phái Ấn tượng vẽ ngay ở bãi cỏ, bờ sông, dám vẽ cả người đứng giữa cảnh chứ không ngắm người mẫu ở xưởng rồi mới họa lên tranh. Đó là một sự táo bạo vô cùng đối với phái bảo thủ.
Trên bức tranh Cổ Điển, họa sĩ chuyển sắc độ mà vẽ, cách khoảng tối đến khoảng sáng, hết bóng đến ánh. Nhóm Ấn Tượng thì lại thấy rằng không có bóng đen, vì bóng thường bị dáng sắc các vật lân cận chiếu vào; và để thể hiện ánh sáng trắng bạc không nổi rõ bằng những nguyên sắc pha trộn. Vì vậy họ thay đen - trắng và cả xám - nâu bằng những màu chính dung hợp, lợi dụng sự giao ứng của những màu bổ túc cho rực quang độ và đưa bút thành những vệt nhỏ chấm phá khiến ánh sắc chuyển động lung linh ở cảnh thiên nhiên hoặc đô hội
Họ hay tả ở những nơi sinh hoạt sầm uất ở thành thị: đấu xảo quốc tế, du hí ở bến sông, rạp hát, nhà ga xe lửa,... mà không hề vẽ những chiến sĩ La Mã hay tiên kiểu Hy Lạp như David hoặc Ingres nữa.
So sánh với tác phẩm của họa phái khác, tranh Ấn Tượng truyền cảm trực tiếp nên dễ được ưa, đối với những ai mến chuộng thiên nhiên và chẳng muốn phải băn khoăn tìm hiểu kỹ thuật khó khăn. Nhiều cảnh của họa sĩ thời trước, nét cứng và vẽ trơ như nhà cửa núi cây ở màn phông rạp tuồng, rõ rệt tỉ mỉ quá, hoặc giả tạo tưởng tượng ra để làm nơi cho thần tiên hay nhân vật lịch sử xuất hiện với những điệu bộ sân khấu (nhiều tranh trước thế kỷ XIX).
Comments