Họa phái thể hiện Trừu tượng
- Nedclass
- Nov 8, 2019
- 7 min read
Vài năm trước Thế Chiến Thứ Nhất, họa sĩ Wassily Kandinsky trưng bày những bức tranh kỳ dị như L’Arc Noir (Chiếc cung đen) hoặc Composition (Kết hợp). Chúng chỉ có những nét bút đậm nhạt dài ngắn gãy cong với những vệt màu mờ tỏ, không thể nhận ra hay phỏng đoán là vật gì thường thấy ở quanh ta. Lối này gọi là Trừu Tượng và được nhiều họa sĩ tán thưởng.

Từ khi xuất hiện, Trừu Tượng cũng một hai lần bị các họa phái khác lấn át nhưng rồi lại có cơ hội bành trướng sau Thế Chiến II. Mặc dù bị công kích mạnh, Trừu Tượng vẫn lan tràn ra khắp Âu Mỹ và nhiều nước Á Đông. Dù ưa chuộng hay ghét bỏ, Trừu Tượng hiện nay phổ biến rộng rãi và bắt buộc các giới nghệ thuật hay trí thức phải chú ý khen chê.

Số họa sĩ Trừu Tượng ngày một tăng bởi họ sáng tác tự do, mỗi người cố tìm lối riêng nên rất khó phân biệt, xếp loại chia phái như đối với các họa sĩ thể hiện. Nhiều nhà nghiên cứu hội họa chỉ có cách thăm dò các đặc tính ở tác phẩm của một số họa sĩ nổi danh nhất cùng xu hướng của những người chịu ảnh hưởng, để tiện so sánh và theo dõi sự biến chuyển của các trào lưu mới.
Một số tên tuổi nổi tiếng ở các nước:
Ý: Magnelli, Carla, Prima, Dorazzo, Righetti, Soldati, Perelli.
Đức: Bercke, Winter, Ackermann, Baumeister, Hartung.
Thụy Sĩ: Paul Klee.
Bỉ: Bertrand, Bursens, Delahaut.
Hà Lan: Domela, Kolthoff.
Thụy Điển: Nixon, Olofsson, Bonnier.
Tây Ban Nha: Martinez, Boberta Gonzalès.
Anh: Marlow, Nicholson, Mary Wykeham.
Úc: Mary Webb.
Pháp: Herbin, Soulages, Mathieu, Manessier, de Stael, Dmitrienko Lapoujade, Dufour.
Hoa Kỳ: Alice Mattern, Morris, Scarlett, Coale, Jackson Pollock, Mark Tobey.
Đứng trước họa phẩm Trừu Tượng, đa phần mọi người vẫn có thái độ thờ ơ, cho rằng đó là một thị hiếu nhất thời với những bức vẽ nguệch ngoạc không có đường lối rõ rệt, muốn vẽ sao thì vẽ. Có vô số tranh lằng nhằng lem luốc mà ai cũng có thể bôi vẽ (sản phẩm rẻ tiền của hạng a dua xu thời) nhưng có những bức họa của các bậc thầy mang đầy tính cá nhân đặc sắc chưa từng thấy trong lịch sử hội họa. Dù biết sự cảm hứng ngẫu hứng và xúc động là tiềm lực thúc đẩy sáng tác, Trừu Tượng cũng đòi hỏi nhiều sự can thiệp của lý trí và bắt buộc suy tưởng để dung nạp những yếu tố căn bản của hội họa thể hiện: bố cục trên bức tranh, nhịp điệu của đường nét, hòa hợp của màu sắc và tinh thần phát triển toàn diện. Những yếu tố này đã đươc chứng minh bằng những tranh có giá trị và lôi cuốn nhiều giới học giả, do đó mới được chính thức chấp nhận vào các viện Bảo tàng - là những cơ quan xưa nay rất thận trọng trong việc lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật.
Xu hướng Kandinsky
Quan niệm hội họa của ông là xưa nay họa sĩ bị ngoại giới chi phối, phải lệ thuộc đối tượng là người, vật, cảnh, trông thấy cảm hứng thì vẽ nhưng cái đẹp có thể xuất phát từ tâm hồn. Nhu cầu day dứt thúc đẩy nêu ra một đề tài, sự cần thiết bộc lộ để thực hiện chính là động lực tạo ra các hình thể.
Người ta nhìn cảnh nhìn vật thấy thích không phải vì cái gì nhìn được mà vì những gì được gợi ra, phần tinh thần ở hiện tượng. Tiến bước nữa, ta có thể ưa thích phần tinh thần ở trừu tượng do tâm hồn sinh hóa.
Vì vậy, tranh Kandinsky thường không có tiêu đề cụ thể. Nếu nhân dịp tiếp xúc thế giới bên ngoài mà nảy ý vẽ, các bức họa của ông được gọi là Cảm giác (Impression); khi xuất hiện từ những chuyển biến nội tâm thì mang tên Ngẫu hứng đột phát (Improvisations); lúc phải suy nghĩ, cân nhắc, sắp đặt rồi mới phơi bày là Kết hợp (Composition).
Trong mười năm từ 1910 đến 1920, ông vẽ với những nét bút tung bay không rõ vật gì, song trước những hình thể lạ lùng quay cuộn, khán giả cũng cảm thấy tâm hồn họa sĩ chuyển rung như gió cuốn trong một vũ trụ ào ạt ba đào. Nhưng về sau những cảm xúc đó được kìm hãm và hướng vào những đường thẳng tắp hoặc gãy góc, những vòng tròn hay chữ nhật với dụng ý đi tới thuần nhất để đạt được ý thức tuyệt đối về vũ trụ.
Xu hướng Kỷ Hà
Những họa sĩ theo xu hướng này dùng các hình vuông, trò, chữ nhật mà sắp đặt nên tranh. Họ mong muốn một nghệ thuật giản dị, phản chiếu nhu cầu đưa tâm hồn lên ý thức thanh khiết nhất về vũ trụ, một vũ trụ khác mà nhãn quan cho thấy.
Khát vọng ấy được họa sĩ Malévitch gọi là Suprématisme. Ông vẽ một hình vuông trên nền trắng và giải thích cho những khán giả thắc mức: đừng tưởng hình vuông đó vô nghĩa, không cho thấy gì, vì nó cho ta cảm thấy sự trống rỗng, sự vắng mặt của mọi người mọi vật và như vậy cũng là gợi cảm rồi. Về sau ông vẽ một hình vuông trắng mà Viện Bảo Tàng New York đã mua về trưng bày.
Khó hiểu hơn là đường lối của Piet Mondrian. Những đường thẳng của ông, thẳng dọc hay thẳng ngang, thành những hình vuông, chữ nhật, nhiều bức họa trông như ô cửa kính màu như những vỉa hè lát gạch không đều. Hay như khăn bàn kẻ ô nhỏ đỏ xanh vàng hoặc những thanh sắt cột đèn, bên cạnh là những vật như chong chóng. Cách vẽ đó được gọi là Tân Tạo Hình (Néoplasticisme): dùng những yếu tố tinh vi và khách quan nhất là: đường thẳng ngang hay dọc, những nguyên sắc không pha trộn, trên những bình diện nhẵn bóng mà xây dựng một vũ trụ đẹp thuần túy.

Phương diện tạo hình là mặt phẳng hay lắng kính chữ nhật tô đỏ, xanh, vàng hoặc đen trắng. Trắng đen tượng trưng cho sự trống rỗng. Muốn có thăng bằng thì đem bình diện lớn đen trắng đối với bình diện nhỏ tô màu và cần có kích thước tương xứng. Đường thẳng biểu hiện cho tiềm lực và sự trầm tĩnh nội tâm. Phải đổi khác tạo vật thành những chất xù xì cũng như bản sắc và khối lượng của đồ vật cần loại trừ để thay bằng mặt nhẵn và màu chính.
Màu là yếu tố căn bản, trao gửi cả tinh thần cho màu sắc để cảm thấy mình biến ra trắng, đỏ, vàng, đen,... Xây dựng Thể thì chỉ cần một hình cũng đủ, như hình vuông carré - một hình rất vững chãi. Sau hết, những gì thuộc về con người đều xóa bỏ đi cho nhập vào vũ trụ. Ta có thể tóm tắt lại những điều trên bằng hai từ: Phản thiên nhiên và Đơn giản hóa.
Xu hướng Vô Thể
Lối vẽ của Mondrian hoặc Kandinsky sau về sau này tuy trừu tượng nhưng vẫn còn dụng ý tạo thể. Sự tính toán sắp đặt đó có tính cách máy móc, khô khan và quá lệ thuộc lý trí, không phù hợp với tâm hồn sôi nổi của những thế hệ mới bị ảnh hưởng từ những biến chuyển của thời cuộc. Cho nên những trào phản đối xuất hiện.
Những họa sĩ này muốn hoàn toàn tự do, không mô phỏng tạo vật nhưng cũng không bị lý trí chi phối. Họ chống lại kỷ hà và chủ trương căn cứ vào bản ngã, cá tính để sáng tác hồn nhiên.
Họ vẽ bằng những vệt sơn:
Dày, xù xì, nguệch ngoạc
Hoặc tấm tấm, lúc nhúc, lác đác lộn xộn
Hay lằng nhằng, chằng chịt, rối rít
Rộng rãi, bằng phẳng, chắp với nhau như các miếng vải màu vá
Như những mảnh gỗ, đá, thép im lìm hay bay vút
Uốn cong mềm mại, múa lượn phất phơ như nét bút lông

Tất cả các hình thể quen thuộc dù đơn giản nhất cũng đều cũ kỹ nhạt nhẽo rồi nên phải tìm những hình khác trong tâm hồn theo ý niệm riêng về vũ trụ.
Họa sĩ Vô Thể không vẽ theo tình cảm thông thường như luyến tiếc nhớ nhung hoặc một định kiến như dưa cảnh vật vào những hình thể hợp với lý trí của mình. Họ thấy tâm hồn họ thế nào thì vẽ như vậy, buông thả cho bút sơn theo những rung động và muốn đưa tới hình gì thì tới.
Xu hướng Bán Trừu Tượng
Giữa hai thái cực Kỷ Hà và Vô Thể, một số đông các họa sĩ có thái độ trung lập đã châm chước các quan điểm trừu tượng mà tìm ra đường lối mới: tránh xa thực tế nhưng vẫn gợi được phần nào những bóng dáng tân kỹ hay u huyền của tạo vật.
Dubuffet chủ trương trở lại thực tế, không phải về những cảnh vật hay hình thể quen thuộc, mà chú trọng đến những sắc thái thô sơ để bắt gặp tính chất đồng nhất của vật, bởi ông tin rằng tất cả đều chung một nguyên thủy, một thể ban sơ và rốt cuộc cũng đều như cát bụi. Ông để ý đến cát bụi hơn là đóa hoa hay ngọn cây bởi cát bụi không hình thể nhất định mà vẫn bao hàm những ý nghĩa kỳ diệu. Do đó mà ông hay vẽ những vật xù xì như đất sỏi hoặc méo mó lởm chởm. Lối vẽ này của mình được ông gọi là Nghệ thuật mộc mạc (Art brut).

Mark Tobey, họa sĩ nổi tiếng người Mỹ, thì muốn gợi cảnh chen chúc ồ ạt bao la của trời đất vì ông đi nhiều và lĩnh hội bao quát được các trạng thái cuộc sống hiện đại.
Họa sĩ Bazaine thì đi từ thực tế lên dần trừu tượng khiến cho khán giả theo dõi mà không quá bỡ ngỡ, xu hướng này được diễn tả rõ ràng nhất. Ông quan niệm nghệ thuật không phải có mục đích đưa tới chốn lạc lõng hoang mang mà chỉ cố vượt quá thực cảnh mà thôi. Quan niệm đó đã ảnh hưởng lên nhiều họa sĩ: Da Silva, Manessier, Bissière, Appel,...
Comments