top of page

Họa phái thể hiện Siêu thực

Trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất, một số nghệ sĩ bất mãn từ các nước Châu Âu lánh sang Thụy Sĩ. Họ thường tụ họp để bàn cãi đả phá các chế độ chính trị và các lý thuyết triết học, văn chương, hội họa. Họ tự xưng là nhóm Dada và gây ra phong trào Dadaisme.


Họ không vạch ra một đường lối nào rõ rệt, không chủ trương xây dựng gì hết ở mọi lĩnh vực nói chung và hội họa nói riêng. Họ phủ nhận tất cả các quy tắc, các quan niệm nhân sinh nghệ thuật. Phương pháp của họ là sự sàm báng và kích động các giới bảo thủ bằng mọi ngôn ngữ hoạt động lố lăng, ngông cuồng, dễ gây ra sự sửng sốt.


Ngay danh hiệu đặt cho nhóm cũng có tính cách lập dị. Đột nhiên họ mở từ điển Larousse, chỉ tay bói xem vào chữ nào. Kết quả là “Dada” và họ dùng ngay chữ đó. Họ tuyên bố Dada thúc giục cá nhân luôn nổi loạn chống đối nghệ thuật, luân lý và xã hội. Dada giải phóng con người khỏi cả thần trí, đặt thiên tài ngang hàng với ngu xuẩn.


Về hội họa, nhóm đã làm sôi nổi dư luận bằng những bức tranh kỳ dị như Figure de Femme (Mặt phụ nữ) của Picabia: hình vẽ bằng sợ chỉ hay que diêm thay nét; bức La Mariée mise à nu par ses célibataires (Cô dâu bị những kẻ chưa vợ lột trần) của Marcel Duchamp.


Từ 1922, nhóm sớm tan rã do thiếu sự hưởng ứng nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều tới họa sĩ và thi nhân. Những người này gạt bỏ lý trí của nhóm và hoan nghênh những lề lối tự do mới lạ. Được sự ủng hộ của Apollinaire, một thi sĩ cấp tiến lúc nào cũng sẵn lòng đón tiếp các xu hướng sang trang, thi sĩ André Breton đề xướng trong nhiều sách báo một lý thuyết có vài điểm tương đồng với Dada mang tên Siêu Thực.


Siêu Thực cũng như Dada khinh thường lý trí và quả quyết rằng suy luận với mọi sự xếp đặt theo mực thước, không cho phép thấu triệt sự vật. Trái với Dada chỉ có thái độ tiêu cực, Siêu Thực chủ trương hẳn rằng phải quay vào những lĩnh vực âm u của tiềm thức mới mong bắt gặp những động lực thầm kín và những sắc thái của một thực tế chưa bị lý trí gạn lọc biến đổi: đó là Siêu thực tế.


Siêu Thực sơ khai chỉ nằm trong phạm vi triết học được xây dựng bởi Breton. Tuy nhiên các bạn họa sĩ của ông đã tán đồng sự khai thác tiềm thức, chấp nhận Siêu thực tế và, như một hệ quả, áp dụng vào hội họa. Họ tin những sự huyền hoặc, muốn khám phá và gợi ra những bí mật trong vũ trụ và tâm hồn, vẽ không cần ai hiểu, phô bày những hình thể cảnh vật quái dị đã từng thấy trong giấc mơ hoảng hay tưởng tượng trong giờ phút hoang mang nào đó. Họ vẽ khác thường để còn thử nghiệm xem vẽ như vậy thì chính họ sẽ thấy ra sao, không khác gì liều mở một cửa sổ nhìn ra một cảnh xa lạ mà chưa biết sẽ thấy gì.


Đàn bà, ông già và hoa - Femme, Vieillard et Fleurs của Max Ernst

Max Ernst vẽ tranh mang đầu đề Femme Vieillard et Fleurs (Đàn bà, ông già và hoa) mà chỉ thấy một người đầu khỉ chân gỗ bế một phụ nữ khỏa thân nhỏ xíu cạnh người có đầu xòe cánh quạt.


Maman, Papa est blessé của Tanguy

Yves Tanguy vẽ Maman, Papa est blessé (Mẹ ơi, cha bị thương rồi) một khoảng mênh mông như biển. một cây thẳng như chiếc gậy lởm chởm rễ quăn, một mảng đen trắng ngoằn ngoèo như đám khói, những hạt đậu, vài chiếc lông chim có dây nối liền thành những hình tam giác,... Ai muốn mê hoảng ban đêm thì cũng nên xem tranh đó.


Một vài người trong nhóm như Chirico, Magritte hay gợi cảm tưởng huyền bí, hãi hùng ở những cảnh tịch liêu với những vật im lìm.




Nổi tiếng hơn cả là Salvador Dali. Ngay đến bộ ria mép uốn như ghi-đông xe đạp trông cũng Siêu Thực rồi. Vẽ theo lối riêng mà ông gọi là paranoia critique , ông nhằm mục đích bóp méo và xếp đặt gần nhau những vật có thật, song thường chẳng liên hệ gì với nhau trong thực tế, để gây một cảm tưởng kỳ dị. Như ở bức Persistance de la Mémoire: núi, cành cây khô, đồng hồ, thảm, bàn không có gì là lạ; nhưng là ở điểm núi chắn đầu góc thảm, đồng hồ mềm như chảy nước mà lại treo trên cành.


Những lúc tỉnh táo sáng suốt chúng ta ưa nhìn những cảnh vật rõ ràng và nhận xét theo lý trí: song những khi yếu đau, mỏi mệt hay rầu rĩ, tinh thần xuống thấp, dễ lo âu rối loạn, nhất là ở giờ phút nửa thức nửa ngủ, nhiều hình ảnh lộn xộn trong đầu óc, vật nọ hiện ra cạnh vật kia không thứ tự liên lạc gì và gây hoang mang như tranh Siêu Thực. Những lúc lành mạnh nhưng nhàn rỗi, nếu nhìn lâu vào những cảnh tầm thường, ta sẽ thấy mỗi vật yên lặng có vẻ bí mật riêng, kỳ dị hoặc gợi u sầu. Muốn hiểu Chirico hay Tanguy, ta chỉ cần nhớ lại một vài trường hợp cảm xúc mà nhiều người chắc đã gặp nhưng không để ý ghi nhận.


Những cảnh buồn hoặc ghê sợ chắc chắn không nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên họa sĩ Siêu Thực không muốn thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ và cho ta những tranh ngoạn mục, chỉ có tham vọng phơi ra ánh sáng những trạng thái u sầu trong vũ trụ hay tâm hồn. Những họa sĩ này đã thực hiện một ý của Breton là không đua đòi những tiểu xảo kỹ thuật nhưng dùng cả những lề lối chưa được thừa nhận mà lột vẻ bí huyền và gợi hồn thơ phảng phất ở những đồ vật chung đụng với nhau một cách ngẫu nhiên hay sắp đặt theo sở thích của một người có óc bao trùm sự vật.

Comments


Bạn muốn nhận thông báo khi có bài viết mới?

Chào mừng bạn

đã tham gia vào cộng đồng của chúng ta

logo nedclass không nền -02.png
  • Facebook
  • YouTube

Công ty TNHH Ned

MST: 0315609229 do Sở Kế hoạch và Đầu tư
TP.Hồ Chí Minh cấp ngày 04 tháng 04 năm 2019

Trụ sở chính: 431 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3, TP Hồ Chí Minh

Email: info@nedclass.com

Số điện thoại: 0937 89 90 25

TẢI XUỐNG ỨNG DỤNG

6631961_preview.png
en_badge_web_generic.png
dathongbao.png
bottom of page