Họa phái thể hiện Dã thú
- Nedclass
- Nov 8, 2019
- 2 min read
Tên gọi Dã Thú là do nhà phê bình Louis Vauxcelles gán cho khi nhắc lại lời giễu cợt của khán giả trước những bức tranh sặc sỡ trưng bày ở phòng triển lãm mùa thu 1905 của một số họa sĩ đã nhiều lần bị chê bai: Henri Matisse, Albert Marquet, André Derain, Maurice de Vlaminck, Raoul Dufy, Van Dogen.

Những họa sĩ này không lập thuyết, nhưng dựa vào các họa phẩm hoặc qua những lời tuyên bố của những người trong nhóm như Matisse hay Derain cũng thấy đường lối rõ rệt hay rực rỡ là khác, và hướng về kỹ thuật hơn là lý tưởng.
Về phương diện tiêu cực, họ chống lại các giáo điều và ước lệ cổ truyền (sự mô phỏng thực tế theo những khuôn mẫu được phổ biến từ các trường học và viện Hàn Lâm). Họ cũng không tán thành phương pháp Ấn Tượng và trách nhóm này để ánh sáng mặt trời lấn át bản sắc của cảnh vật.
Theo phái này, ánh sáng hiện lên tranh nhờ sự hòa hợp hay giao ứng của các khoảng màu nhưng màu phải là nguyên sắc lộng lẫy, không pha trộn trước, lấy ngay từ các ống ra bôi rộng và phẳng chứ không theo vệt nhỏ. Đường nét không cần tế nhị vì bố cục vững vàng không do hình thể mà do sự dàn xếp các khoảng xanh đỏ tím vàng hợp xung. Xung hợp còn tùy các diện tích màu loang ra hay hẹp vào nên các đường nét cũng phải lệ thuộc mà biến đổi thành những hình thái giản dị hay kỳ dị nhưng phải xứng với toàn diện.
Màu sắc là yếu tố căn bản. Như Vlaminck đã tuyên bố: nghệ thuật phải biểu lộ cá tính đặc biệt nhưng cá tính đó không ở đường nét vì đường nét thuộc lý trí chung cho mọi người; cá tính chỉ ở cách cảm riêng mà khi nhìn tạo vật hiện ra trước hết với màu sắc. Cho nên chỉ có màu sắc với sức mạnh và tiếng vang của nó hòa tấu trên bức vải mới gợi được rung cảm vì ánh sắc của vật.
Nhóm Dã Thú thấy một vật có thể mang đủ mọi màu khác thường (trời xanh lá, mặt tím,...) tùy nhu cầu ứng phản với những màu lân cận và sắc tính chung. Màu đó không sẫm đậm như Cổ Điển hay sáng tươi của Ấn Tượng nhưng chói lọi đập mạnh vào mắt.
Tuy nhiên, việc dùng màu sắc một cách quá bạo chỉ thường thấy ở những họa phẩm nhóm này hồi mới nổi tiếng. Những người hăng nhất như Vlaminck về sau cũng dịu bớt và tới giai đoạn ôn hòa, họ chú trọng nhiều hơn đến các yếu tố thể hiện khác.
Comentários