Tại sao bạn xem tranh không hiểu? Phần 1 – Bài 2
- Nedclass
- Oct 3, 2019
- 5 min read
Updated: Nov 6, 2019
Sao lại thế?
Nhiều người ngắm tranh ở các phòng triển lãm hoặc trong các bộ sách hội họa, hay thắc mắc về những điểm sau:
Từ cổ đến nay, thường thấy vẽ người, vật, cảnh, hoặc cả cảnh, vật, người trong một sự tích gì. Nhưng sao không “vẽ tử tế”, lắm khi trần truồng, dơ dáng?
Sao không vẽ cho giống, cứ phải lệch lạc, méo mó? Đẹp ở chỗ nào?
Tệ hơn là về sau lại vẽ những quái trạng lủng củng lem luốc còn không hiểu là gì nữa. Sao có thể dị như vậy?
Sao không “vẽ tử tế”, lắm khi trần truồng, dơ dáng?
Chẳng phải riêng ở Việt Nam mới có những người coi tranh khỏa thân là chướng mắt. Ngay bên Châu Âu, lối vẽ người trần truồng tuy đã thành thói quen từ thời thượng cổ nhưng vẫn bị nhiều người công kích.

Năm 1863 – 1864, khi Manet trưng bày tranh những cô không mặc quần áo, kẻ ngồi trên cỏ (Le Déjeuner sur l’herbe – tranh bên), người nằm dài trên giường (Olympia), khán giả kêu là phạm thuần phong mỹ tục. Hay như năm 1917, những tranh phụ nữ phơi mình của Modigliani, bị cảnh sát cấm không cho phô ra các tủ kính quầy hàng.
Tuy vẽ khỏa thân nhưng ở đây lòng ngay thẳng của họa sĩ không thể ngờ vực. Dưới đây tôi có thể đưa ra vài dẫn chứng.
Trong bức tán dương hoàng hậu Marie de Medecis ngự thuyền cập bến Marseille 1622, có cả những nữ thần trắng tròn dâng sóng: Rubens nào đâu dám có tà ý? Tà ý nào có thể sai khiến cây cọ khi vẽ những sự tích thánh kinh, mặc dầu có những nhân vật lõa thể? Như tích thánh Saint-Jean được soi sáng (Revelation de Saint John và tích phục sinh La Resurrection của Le Greco. Nhất là những nét màu bất hủ lộng lẫy của Michel Ange trên trần thánh đường Chapelle Sixtine trong điện Vatican?

Nếu cho rằng họa sĩ châu Âu thường do tình dục thúc đẩy thì biết bao nhiêu hình tượng khỏa thân ở các đền đài cung điện Ấn Độ (như nữ thần Apsara), Do Thái (những bích họa freque thế kỷ V), Afghanistan (những bức chạm khắc thế kỷ thứ II-III TCN) phải chăng là ngoại lệ? Ấy là còn chưa kể tới Châu Phi.
Vậy thì vì lý do gì họa sĩ vẽ khỏa thân nếu chẳng vì ưa thích sự ĐẸP THUẦN TÚY, và còn gì trên thế gian này có những nét màu linh động yêu kiều hơn con người mà thân thể được coi từ thượng cổ Hy Lạp La Mã như kỳ công bậc nhất của tạo hóa? Hoa đẹp, ngọc đẹp, NHƯNG NGƯỜI PHỤ NỮ VƯỢT TRÊN MỌI VẬT, vì còn là NGUỒN GỐC TÌNH YÊU và SỨC SỐNG kỳ diệu chứa chan lôi cuốn muôn loài. Đó là lý tưởng nhân sinh vũ trụ đã thấm nhuần văn minh nghệ thuật Hy Lạp qua La Mã truyền sang những xứ thuộc đế quốc La Mã, tới Âu Châu rồi gặp hoàn cảnh thuận tiện đã tái phát ở thời kỳ Phục Hưng, thế kỷ thứ XV, XVI và cũng mang nhiều sắc thái như văn chương. Lý do cuối cùng là tính kỹ thuật. Các tình cảm, sức sống động của con người hiện ra nét mặt, biểu lộ bằng cả thân thể. Muốn diễn tả một cách linh hoạt, phải quan sát thật kỹ các thái độ, các cử chỉ, các dáng điệu ở mỗi cảnh, mỗi lúc. Do đó phải biết thật rõ hình thể và sự tương quan của mỗi bộ phận, mỗi thớ thịt. Vì vậy, học vẽ thì cần tập vẽ thân thể, và các họa sỹ từ Leonardo de Vinci đều nhận là khó.
Sao không vẽ cho giống, cứ phải lệch lạc, méo mó? Đẹp ở chỗ nào? Sao có thể dị như vậy?
Tệ hơn là về sau lại vẽ những quái trạng lủng củng lem luốc còn không hiểu là gì nữa. Sao có thể dị như vậy?
Lý do thứ nhất: đó là sự cố ý của họa sĩ, để gợi cho khán giả những cảnh tình không xinh đẹp theo ý thường của nhiều, để chế giễu hài hước (như tranh Daumier hoặc tranh Toulouse của Lautrec), để tả bi thương sầu não như Picasso cho lệch vai nhô xương (tranh ông lão đánh đàn, Le vieux guitariste), để làm nổi bật vẻ kiên quyết sắt đá (Gromaire vẽ chiến sĩ như tượng sù xì) để phóng thả tâm hồn cuồn nhiệt (Van Gogh cho lúa cuộn thành cành bay trong Les bles jaunes hoặc Les Cypres).
Tóm lại nét chồi sơn cũng như nét chữ viết: tùy nhịp tình cảm mà nhẹ nhàng, êm dịu, hay cứng rắn, lung tung, hình vẽ khác hình thực thế, ghi dáng vẻ nhiều hơn thể chất, rung chuyển xô lệch tùy theo sức giao động nội tâm.
Lý do thứ 2 thuộc về phạm vi thẩm mỹ. Mỗi thời quan niệm nhan sắc thay đổi, tất họa sĩ cũng phải thay đổi.
Ví dụ như cho tới thế kỷ XIX, đa số các cô trông tranh đều béo mập, có khi bụng phệ, hầu hết đầu và mặt vẽ nhỏ đi cho gọn, cho xinh và để thân thể phô lộ ra tưng bừng nảy nở. Nhưng về sau nung núc là xấu, thanh tú là đẹp nên các cô được kéo dài ra và mỏng manh thêm.
Lý do cuối là do họa sĩ biến đổi khác thường vì nhu cầu thích ứng về kỹ thuật. Nhóm Matisse không muốn vẽ bề dày bề sâu theo lối cổ, không đánh bóng hay vùng các đường chạy thoăn thoắt: vì thế cần vẽ nét vồng ra cho hiểu đó là một khối hoặc nét lõm vào đối với phần dẹt. Lại nhiều khi phải tìm màu thích hợp, tỉ như một màu đỏ đủ tươi sáng để giao ứng được với màu lục bên cạnh; mà theo kinh nghiệm thì khoảng bôi màu càng rộng, sức giao ứng càng tăng. Vì thế mà phải vẽ loang khoảng màu đỏ ra mặc dù như vậy hình sẽ khác thường. Đó chính là trường hợp bức khỏa thân Nu Rose của Matisse. Cô trong tranh trông dài ngoẵng và bắp đùi cùng cánh tay quá mập, song nhìn kỹ thì quả có sự cân bằng giữa tấm thân toàn diện, giữa mà đỏ của người và nền tím của tranh.
Comments